top of page

NHÀ RANG BỀN VỮNG

Phần 1: GIỮA THỜI KỲ GIÁ CÀ PHÊ BIẾN ĐỘNG.


Thời gian gần đây, giá cà phê nhân trên thế giới và Việt Nam đều tăng trưởng chóng mặt. Cốc cà phê để bắt đầu ngày mới của chúng ta có vẻ như cũng trở nên ‘nặng’ hơn. Ở vị trí đứng giữa: vừa làm việc trực tiếp với nhà nông trong quá trình sản xuất, vừa là những người đem đến những sản phẩm cuối đến khách hàng - xuyên suốt cả hành trình từ đầu đến cuối là một tình yêu bền bỉ với những hạt cà phê, Every Half hiểu rằng chúng mình cần phải có trách nhiệm giải một bài toán khó nhằn nhưng hứa hẹn nhiều trái ngọt về cuối: bài toán về sự bền vững. Cụ thể hơn ở đây: nhà rang bền vững.

Trong chuỗi cung ứng cà phê từ nông trại đến người tiêu dùng [farm to cup], nhà rang đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nhân xanh và hương vị hạt cà phê sau khi được rang. Chỉ khi đầu vào và đầu ra đều đạt đến trạng thái ổn định, thì dù đứng trước thời kì biến động giá khôn lường hay kinh tế khó khăn: nông dân vẫn yên tâm trồng trọt, đợi mùa-về cà-chín-đỏ mới hái và các bạn khách có thể nhẹ lòng và hạnh phúc với cốc cà phê trong tay, ngày từng ngày, đều đặn mà không phải thấp thỏm lo âu vì câu chuyện tăng giá hay nghi ngại về chất lượng.


Để khởi sự hành trình làm một nhà rang bền vững, đầu tiên hãy cùng Every Half tìm hiểu về hậu trường phía sau ‘giá cà’ - yếu tố xôn xao nhất trong mùa vụ năm nay nhé!



1. Quá trình làm nên cốc cà phê [chuỗi cung ứng]:

Cà phê giờ đây được xem như đồ uống không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng triệu cốc cà phê được bán ra trên toàn thế giới. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi làm cách nào trái cà phê chín đỏ trên cây dần dần hình thành nên một cốc cà phê ngon lành mà mình đang uống?



Trước khi trở thành thành phẩm, trái cà phê đã đi qua một chuỗi cung ứng [supply chain] phức tạp và tỉ mỉ. Hành trình này thường còn được gọi bằng một cách gần gũi hơn: từ nông trại tới cốc cà phê [from farm to cup]. Chuỗi cung ứng là một quá trình gồm nhiều công đoạn đi từ người sản xuất cho đến người tiêu thụ để cho ra sản phẩm cuối.

Quá trình gồm rất nhiều bước, nhiều giai đoạn nhưng có thể hiểu ngắn gọn: bước đầu là trồng trọt, thu hái và sơ chế, với đại diện là những người nông dân; tiếp đến người giao dịch (trader) với nhiệm vụ mua bán và trao đổi cà phê nhân xanh; sau đó là quá trình rang và đóng gói cà phê hạt với đại diện là các nhà rang và cuối cùng là các barista pha chế để cho ra thành phẩm là các ly cà phê.


2. Tại sao giá cà phê lại biến động?

Như các mặt hàng khác trên thị trường, cà phê được sản xuất và tiêu thụ khi cung-cầu xuất hiện. Khi mùa vụ cà phê được thu hoạch, nguồn cung bắt đầu tăng lên. Lúc này việc giao dịch mua bán cà phê sẽ được triển khai, cung và cầu luân phiên chuyển động.

Giá cà phê không thể giữ nguyên một mức cố định mà luôn chuyển động và cần thay đổi để giải phóng thị trường. Tại sao vậy?

Trước tiên, chúng ta cùng làm rõ lượng cung và cầu trên thị trường cà phê. Kinh tế học chỉ ra rằng, không có một con số tuyệt đối về mức cung và cầu ở một thời điểm cố định. Mà ở một mức cầu, có một lượng người tiêu dùng (cầu) khác nhau sẽ có nhu cầu ở mọi mức giá. Đấy là lí do tại sao đây là biểu đồ đường cong. Trên biểu đồ, đường cong cầu (màu đỏ) thể hiện số lượng cà phê được cần đến ở một mức giá cụ thể. Tương tự với đường cong cung.



 

 

Điểm giao giữa cung và cầu trên biểu đồ là giá cân bằng thị trường [Equilibrium] nơi trạng thái cân bằng thị trường xảy ra. Tại đó, số lượng cung và cầu bằng nhau. Đây là trạng thái lí tưởng của thị trường khi mà tất cả các sản phẩm được cung cấp trên thị trường đều được bán ngay. Trong kinh tế học, ở bất kì ngày nào thì tất cả các sản phẩm cung cấp cũng được bán ngay, nên giá phải điều chỉnh nhanh chóng để đảm bảo rằng tất cả cà phê cung cấp trên thị trường đều được bán ngay lập tức. Trên thị trường, cà phê luôn được giao dịch mọi lúc. Cà phê mới luôn được bày bán trên thị trường và nhu cầu sẽ lại tiếp tục phát sinh. Khi cà phê được mua, nguồn cung tăng và nguồn cầu giảm. Khi cà phê được tiêu thụ thì nguồn cung giảm.

Bên cạnh đó, số người tham gia thị trường cũng luôn thay đổi theo mùa vụ. Áp lực sinh ra từ hai phía cung và cầu, các đường cong liên tục chuyển động và do đó, điểm giao nhau [E] của chúng cũng sẽ luôn chuyển động. 

Ví dụ thực tế như: ở sàn giao dịch cà phê ở Hoa Kỳ, chưa đầy hai phút đã biến động giá một lần.

Tóm lại, giá cà phê trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng không bao giờ ở yên một mức cố định mà ngược lại sẽ thay đổi không ngừng.

3. Cách thức giao dịch cà phê trên thế giới?

Cà phê được sản xuất ở địa phương sau đó được giao dịch trong nước hoặc đem đi xuất khẩu toàn cầu. Chủ yếu cà phê được sản xuất sẽ xuất khẩu sang các nước phương Tây vì nhu cầu tiêu thụ cà phê ở các thị trường này rất lớn. Khi đó, các công ty giao dịch cà phê trên thế giới sẽ điều tiết quá trình từ nơi sản xuất đến thị trường.

Ngày xưa, cà phê được giao dịch theo cách thức giao ngay hay còn gọi là thị trường giao ngay. Đây được hiểu là nơi diễn ra hoạt động mua bán hàng hoá thực tế và trực tiếp ngay tại chỗ. Người mua đưa tiền, người bán giao cà phê - giao dịch hoàn tất.



Tuy nhiên theo thời gian, có hai vấn đề phát sinh với thị trường giao ngay là tính thanh khoản và giá. Trong thị trường này, hàng hoá (ở đây là cà phê) có thể sẽ không ổn định được chất lượng. Dẫn đến những trường hợp cà phê thực nhận không được đảm bảo tốt. Bên cạnh đó, người bán cũng không có nhiều căn cứ cơ sở hay nguồn thông tin để tra cứu giá cả thị trường, ảnh hưởng đến việc định giá cà phê. 

Hoặc có những mùa vụ giá lên cao hay xuống thấp bất ngờ vì nhiều lí do khác nhau nhưng do trước đó đã giao dịch ở giá thấp hơn hoặc cao hơn nên khi thực tế xảy đến, người mua sẽ cảm thấy cực kì lúng túng và bất ngờ. 

Để giải quyết vấn đề này, hợp đồng tương lai [future market] bắt đầu được kí kết. Hợp đồng tương lai là hợp đồng được kí kết giữa người mua và người bán với những hàng hoá giao dịch trong tương lai với số tiền khác so với giá của hiện tại. Thị trường tương lai còn có tên gọi khác là thị trường giao chậm.

Đây cũng chính là cột mốc đánh dấu cho sự ra đời của thị trường C [Centre market]. Thị trường C là sàn giao dịch toàn cầu được quản lý bởi ICE dành cho việc mua bán Arabica nhân xanh và các giao dịch hợp đồng cà phê tương lai. Nhìn chung, thị trường C giống như sàn giao dịch chứng khoán và Arabica phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định thì mới được cho phép kinh doanh trên thị trường C. Thay vì mua-bán trực tiếp, người bán sẽ bán cho sàn giao dịch và người mua sẽ mua từ sàn. Cà phê nhân xanh đặc sản không được bán trên sàn giao dịch C.

Bằng cách làm việc thông qua trao đổi, người bán và người mua được đảm bảo lợi ích cho nhau, các giao dịch lớn và nhiều có thể diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, bất cứ lúc nào những người tham gia đều có thể đóng các vị thế của họ một cách hiệu quả. Vấn đề thanh khoản được giải quyết triệt để ở thị trường C.

Các tổ chức mua bán cà phê (farmer/trader) tại địa phương với nhiều loại tiền tệ khác nhau và các giai đoạn khác nhau của việc sản xuất, khi đưa lên thị trường C sẽ có tiêu chuẩn đổi giá sang USD cents/pound cho nhân xanh Arabica và USD/tons(tấn) cho nhân xanh Robusta.

·      Hợp đồng tương lai

Basis price (giá cơ sở/giá chênh lệch) là một mức giá trên hợp đồng tương lai thể hiện cho mức chênh lệch giữa giá của hợp đồng tương lai và các hợp đồng tương lai khác hoặc giá giao ngay tại cơ sở.

Cà phê có sẵn còn có thể được định giá khác bao gồm hai phần: giá chênh lệch và giá tương lai.

·      Sự chênh lệch giữa một mối quan hệ ngược lại với giá tương lai

 

Khi người nông dân có mức chi phí nhất định, họ sẽ đòi hỏi mức giá chênh lệch cao hơn để đối phó với giá tương lai thấp. Và họ sẽ sẵn sàng từ bỏ nhiều hơn phí chênh lệch khi giá tương lai cao.

Điều ngược lại cũng đúng với các nhà rang/người giao dịch. Khi giá tương lai cao họ không đủ khả năng trả phí chênh lệch, khi giá tương lai thấp họ sẵn sàng trả thêm một chút phí chênh lệch.

Áp lực từ nhà rang/người giao dịch và người nông dân là nguyên nhân của sự chênh lệch có mối quan hệ nghịch đảo với giá tương lai.

 ·      Sự chênh lệch bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cá nhân và nhu cầu hàng hoá cá nhân.

 

Ví dụ, cà phê Kenya có nguồn cung tương đối nhỏ và có hương vị tốt nên giá chênh lệch của Kenya thường xuyên được giao dịch ở mức cao hơn giá tương lai. Ngược lại cà phê Robusta của Việt Nam ưu tiên nguồn cung dồi dào mà ít tập trung vào chất lượng nên thường được giao dịch bởi mức chiết khấu lớn với giá tương lai.

Ngoài các đặc điểm riêng của vùng trồng cụ thể, sự biến động của cân bằng cung cầu trong năm đó cũng ảnh hưởng đến giá chênh lệch. Điều này có thể tạo ra viễn cảnh tương tự với tình hình thế giới hiện nay, trong đó giá tương lai và giá chênh lệch thực sự có mối tương quan thuận chiều với nhau.

 

Ngoài ra trên thị trường, có một số người không thực sự mua bán cà phê

nhưng vẫn tham gia vào quá trình mua bán hợp đồng cà phê hay còn gọi là đầu cơ. Những người này tác động đáng kể đến sự thay đổi giá cà phê thực tế giữa nông dân và nhà rang/nhà giao dịch. Dù vậy, sự tồn tại của các nhà đầu cơ là yếu tố cần thiết để tạo ra tính thanh khoản cho thị trường

Trên thị trường C cung cấp giá cà phê chuẩn cho thị trường cà phê toàn cầu. Tuỳ thuộc vào các quốc gia khác nhau, sản xuất và chất lượng cà phê khác nhau sẽ dựa vào giá C (C price) để định giá cụ thể cho sản phẩm của mình tại mỗi thời điểm.

Giá C không phải là giá thực tế (physical price) mà người mua cần trả cho người bán để hoàn tất giao dịch. Nhưng lại là yếu tố tham chiếu quan trọng trong mua bán. Đặc biệt là với cà phê đặc sản (cà phê trên 90 điểm).

Có một sự lầm tưởng rằng cà phê đặc sản sẽ tách khỏi hoặc không liên quan đến C-market. Nhưng ở đó sẽ luôn có hiệu ứng gợn sóng. Khi các nhà rang tiệm cận các loại hạt từ 80-85 điểm thì vô hình trung các hạt từ 90 điểm cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. 

Việt Nam là đất nước xuất khẩu cà phê nhất nhì trên thế giới nên việc định giá, giao dịch cà phê cũng ảnh hưởng đáng kể từ thị trường C.


4. Giá cà phê thế giới tác động đến giá cà phê trong nước thế nào?

Arabica: Sản lượng tăng 1,8% với 94 triệu bao vào niên vụ 22/23 từ 92,3 triệu bao vào niên vụ 21/22.

·      Theo khu vực:

Nam Mỹ tăng 2,6% với 57,4 triệu bao; Caribean, Trung Mỹ và Mexico tăng 1,2%

Trong khi đó khu vực châu Á và châu Đại Dương lại giảm 1,4% ở niên vụ 22/23 so với niên vụ 21/22

·      Theo quốc gia:

Sản lượng của Brazil tăng vọt 7,3% với 41,8 triệu bao so với 38,9 triệu bao của niên vụ trước mặc dù tốc độ tăng trưởng của quốc gia này bị hạn chế do ảnh hưởng của sương giá.

Costa Rica và Honduras cũng đóng góp đáng kể cho tổng sản lượng Arabica toàn thế giới khi tăng lần lượt 13% và 14,7% vào niên vụ 22/23.

Trong khi đó sản lượng của Việt Nam niên vụ 22/23 giảm 9,8% với 1,5 triệu bao từ 1,6 triệu của niên vụ 21/22. Tình trạng mưa kéo dài cùng với sự thiếu hụt việc sử dụng phân bón và chuyển hướng sang những mặt hàng lợi nhuận cao hơn như sầu riêng và hồ tiêu ở những khu vực sản xuất cà phê chính như Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum là những nguyên nhân chính giải thích cho sự sụt giảm này.

 

Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam giảm 9,8%  ở niên vụ 22/23 so với niên vụ 21/22 theo ICO.   

Robusta: Sản lượng Ro toàn cầu giảm 2,0% với 74,2 triệu bao ở niên vụ 22/23


·      Theo khu vực:

Sản lượng của nhóm khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 5,2% với 42,9 triệu bao. Khu vực châu Phi cũng giảm 17,4% với 7 triệu bao ở niên vụ 22/23.

Trong khi đó khu vực Nam Mỹ ghi nhận tăng 10,4% với 23,9 triệu bao.

·      Theo quốc gia:

Sản lượng của Việt Nam giảm 9,8% với 27,8 triệu bao với lý do tương tự như cà phê Arabica.

Nguồn cung của Indonesia tăng 6% với 9,9 triệu bao mặc cho quốc gia này chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina do mở rộng vùng canh tác cà phê.

Sản xuất Robusta ở Brazil tăng 10,6% với 23,7 triệu bao ở niên vụ 22/23.




Việt Nam dẫn đầu về sản lượng Robusta toàn thế giới

 

Mặc dù thực tế rằng Việt Nam là khu vực xuất khẩu Robusta riêng lớn nhất thế giới và cà phê nói chung thứ nhì thế giới sau Brazil, nhưng giá cà phê Việt Nam vẫn dựa vào giá cà phê thế giới. Lý do ở đây là 89% tổng sản lượng cà phê được dùng cho việc xuất khẩu (trong khi đó con số ở Brazil chỉ có 66%) và nhu cầu tiêu thụ cà phê trong nước chỉ chiếm một lượng nhỏ khoảng 11%.

Sản lượng cà phê trên toàn thế giới chủ yếu vẫn là Arabica (giống cà phê có giá cao hơn trên thị trường). Brazil là luôn dẫn đầu trong việc sản xuất loại cà phê này, được đầu tư về sản xuất như thiết bị chuyên dụng, phân bón,...khiến cho quốc gia này là thị trường có sức cạnh tranh cao, ảnh hưởng lớn tới giá cà phê quốc tế vì có thể giảm giá bán do nguồn cung dồi dào. Trong khi ở đất nước mình, chưa có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại nên chi phí sản xuất sẽ cao hơn nên mức giá bán ra phải cao hơn nếu không sẽ bị lỗ so với thị trường thế giới.

Tất cả cà phê Việt Nam được giao dịch ở thị trường giao ngay là Robusta nên giá cà phê Robusta tại thị trường giao ngay (đại diện cho giá cà phê quốc tế)  sẽ trực tiếp và ngay lập tức ảnh hưởng tới giá cà phê trong nước.


nguồn: giacaphe.com


5. Tại sao giá cà nhân xanh càng ngày càng tăng?

Càng ngày thì nhu cầu uống cà phê ngày càng tăng nhưng nguồn cung cà phê trên thế giới có xu hướng giảm.





Một phần là do hiện tượng El Nino (giống như vào những năm 2016 và 2018) gây ra hạn hán, nắng nóng kỷ lục và ngập lụt do mưa bão thất thường.

Cộng với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam có đặc điểm là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, từ đó có thể làm cho tình trạng khô hạn hoặc độ ẩm tăng trở nên trầm trọng hơn.

Các nông trại ở Việt Nam chủ yếu sử dụng hệ thống độc canh (nông trại chỉ trồng cà phê) khiến cho nông dân dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và thời tiết. Mặc dù có một số ít trang trại áp dụng phương pháp xen canh (trồng cà phê với các giống cây khác) nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều rào cản và chuyển sang hình thức xen canh thì không hề đơn giản và mất nhiều thời gian.

Dịch bệnh và xói mòn đất cũng là một mối nguy hại lớn với các cây cà phê.

Do đó, sự nóng lên toàn cầu liên tục, sự gia tăng của thiên tai và các điều kiện khí hậu bất lợi khác đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng một số cây cà phê. Ngoài ra, các yếu tố khác không liên quan đến chuỗi cà phê cũng ảnh hưởng đáng kể điển hình là đại dịch COVID-19. Một báo cáo gần đây do ICO công bố cho thấy COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung lao động (do bệnh tật, lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại), tình trạng nghèo đói của nông dân trồng cà phê (do thu nhập giảm và chi phí đầu vào tăng), tỷ lệ lao động trẻ em ( do tình trạng nghèo đói gia tăng và việc đóng cửa trường học do lệnh phong tỏa) và nhiều yếu tố khác cản trở năng suất sản xuất, xuất khẩu và do đó là doanh thu (ICO, 2020).

Thực tế có khoảng 25 triệu hộ sản xuất nhỏ trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm về khoảng 70%–80% tổng sản lượng cà phê và khoảng 125 triệu người trên toàn thế giới phụ thuộc vào cà phê để kiếm sống. Khi cà phê khan hiếm, giá cà tươi và nhân sẽ tăng lên để đảm bảo cuộc sống cho họ.

6. Tầm quan trọng của một nhà rang bền vững giữa thời kì bão giá?

 Khi giá cà phê tươi và nhân xanh tăng, nhà rang phải chi trả một số tiền lớn hơn để nhập nguồn cà. Cùng với các chi phí khác trong chuỗi cung ứng như vận tải, khấu hao máy móc, nhân sự, kho bãi.. dẫn đến một áp lực đáng kể trong việc định giá hạt cà phê sau khi rang. 

Tăng giá cà nhập thì sản phẩm đầu ra (hạt cà phê đã rang hay cốc cà phê đến tay khách hàng) cũng cần phải tăng theo để cân bằng chi phí. Tư duy đó thực không sai. Nhưng vô hình trung, câu chuyện tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí là đe doạ đến việc thưởng thức cà phê của người tiêu dùng. Đặc biệt là giữa thời kì kinh tế biến động như hiện nay thì khả năng phải cắt giảm chi phí uống cà phê của người tiêu dùng là việc khó tránh khỏi.



Vậy, có phương án nào để giải quyết bài toán: cà nhân tăng giá nhưng người tiêu dùng không phải trả thêm tiền để uống cà phê hay không?

Câu trả lời là có.

Chúng ta vẫn thường nói về các giống cà phê bền vững để chống lại sâu bệnh và sinh trưởng tốt ở nhiều độ cao khác nhau. Ví dụ vài năm qua, Every Half đã và đang làm việc với các nông hộ, mới đây nhất là sự ra đời của Hợp tác xã cà phê VN với các giống Robusta chất lượng cao, Liberica, Starmaya,.. nhằm phát triển bền vững cà phê Việt.

Và câu chuyện bền vững không chỉ nằm ở giống cà phê, mà còn là cả quá trình của chuỗi cung ứng. Phải xem xét đến sức khỏe kinh tế, môi trường và xã hội lâu dài của ngành cà phê thì mới bền vững được. Từ hiệp định cà phê quốc tế đầu tiên vào năm 1962, chủ đề về tính bền vững đã trở nên quan trọng. Ngành cà phê phải tận tâm xây dựng chuỗi cung ứng thực sự bền vững.

Thị trường ngày càng biến động tạo ra thách thức cho tất cả các bên, đặc biệt là đối với nông dân và người làm nông. Các vấn đề xã hội có liên quan chặt chẽ với các vấn đề kinh tế, và trong cả hai trường hợp, mối quan tâm chính đều tập trung vào những người sản xuất và công nhân nông trại của họ. Mặc dù, về mặt lý thuyết, cần đảm bảo rằng các nhà sản xuất, nhà rang có đủ lợi ích để cung cấp mức sống đủ cho doanh nghiệp. Trên thực tế, xét đến mức tiêu thụ cà phê liên tục tăng, nhà rang - nằm ở vị trí đứng giữa chuỗi cung ứng, luôn có cách để linh hoạt và điều chỉnh cách thức vận hành để đảm bảo kinh tế cho người nông dân và chất lượng cốc cà phê của khách hàng. Nếu không, tính bền vững của chuỗi cà phê đang ngày càng gặp rủi ro, không chỉ về mặt môi trường mà còn về mặt kinh tế và xã hội.

 

Các hạt cà phê thường được trồng và thu hoạch ở những nơi xa xôi so với thị trường tiêu thụ. Nông dân sản xuất cần các cách để tăng năng suất để có sinh kế bền vững. Người trồng cà phê cần trả lương công bằng và hợp lý.



Trong chuỗi cung ứng, Every Half không chỉ đóng vai trò là người thu mua nhân xanh, mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất cà phê ở nông trại cùng với nông dân. Những phương pháp canh tác hữu cơ hiện đại, trồng cà phê trong bóng râm, cung cấp cho nông dân các kĩ năng nhằm cải thiện chất lượng và năng suất cà phê. Hợp tác xã cà phê VN của Every Half và một số đơn vị ra đời nhằm giúp cho chuỗi cung ứng cà phê bền vững hơn vì nhà rang lúc này đã chủ động hơn trong việc thu hoạch nhân xanh và tối ưu được các chi phí khác ở đầu vào.

Xét về mặt kinh tế, khi kí hợp đồng tương lai với nông dân, chúng mình chi trả một mức phí đảm bảo cho người lao động. Để khi giá nhân xanh trên thị trường tăng, người nông dân vẫn được hưởng lợi. Còn khi giá nhân xanh trên thị trường giảm, giá cơ sở (basis price) sẽ được nâng lên để nhà nông yên tâm trồng trọt cà phê.

Trong những năm qua, bên cạnh mức tiêu thụ cà phê không ngừng tăng, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết và cấp thiết hơn, điều này đòi hỏi người sản xuất phải đáp ứng được nhu cầu cà phê không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Khi nhà rang là người tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, mùa vụ cà phê đều được đảm bảo bằng cách hái chín 100%, sơ chế bằng công nghệ hiện đại và kiểm soát chất lượng của quá trình rang - đảm bảo được chất lượng của mỗi cốc cà phê khi đến tay khách hàng. Và vì trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất cà phê, tối ưu được nhiều chi phí nên giá cà phê khi đưa ra cho khách hàng vẫn không vì ‘cà nhân tăng’ mà tăng giá.



Một nhà rang bền vững có nghĩa là như vậy.

Nhìn chung, vẫn còn một chặng đường dài để đạt được tính bền vững như mong muốn trong chuỗi cà phê, điều cần thiết là phải có sự chung sức của tất cả các chủ thể và đơn vị liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, cụ thể là nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà rang xay và các tổ chức. Và Every Half mong muốn được góp chút ít sức lực trong quá trình này: chính là trở thành một nhà rang bền vững.


Nguồn tham khảo:

 

Kênh podcast: Coffee with Maxwell

Sách: Kinh tế vi mô

 

 






7 views0 comments

Comments


bottom of page