top of page

Tại sao chúng ta lại phải quan tâm tới những giống cà phê mới?

Mỗi tháng 10 trải dài đến tháng 2 hàng năm, mùa vụ thu hoạch cà phê lại về. Cà phê cần 3 năm để kết trái, cần nắng để nở hoa, cần nước cần chăm bón để kết trái, cần hơn 6 tháng để chín và cần nhiều bàn tay để biến thành những ly cà phê thơm đẫm.


Ở Việt Nam, cà phê được trồng trải dài từ Bắc vào Nam, từ Sơn La, Điện Biên, đến Khe Sanh, Quảng Trị, vào Lâm Đồng, Daklak. Với sản lượng đứng thứ 2 về xuất khẩu, chúng ta vẫn luôn tự hào.


Lần này, Every Half có cơ duyên với cuộc hành trình về vùng nguyên liệu Sơn La, Điện Biên thuộc vùng Tây Bắc. Nơi mà các giống cà phê Arabica đã và đang được chú trọng để trở thành nông sản trọng điểm cả về sản lượng lẫn chất lượng.


Arabica là giống cà phê chính được trồng ở Sơn La hay Điện Biên. Cụ thể hơn là Catimor, một giống cà phê được phát triển với sứ mệnh mang đến một giống cà phê có thể chống chọi lại dịch bệnh (gỉ sắt, sâu đục thân, sâu đục trái, …) và cho sản lượng tốt. Catimor có một bề dày lịch sử đáng tự hào và không thể phủ nhận độ dày phát triển tại Việt Nam.


Tuy nhiên, tại sao cà phê Arabica đến từ Việt Nam nói chung vẫn chưa được đánh giá cao hay cụ thể hơn Catimor từ Việt Nam vẫn chưa có nhiều chỗ đứng trên thị trường cà phê chất lượng cao, “Specialty Coffee” thế giới.


Một vài điểm có thể kể ra như:


· Biến đổi khí hậu;

· Thoái hoá giống, hoặc canh tác giống cây không rõ nguồn gốc;

· Già cỗi trong canh tác;

· Lạm dụng hoá học trong canh tác;

· Đất đai bạc màu;

· Các phương pháp sơ chế áp dụng chưa phù hợp;

. Quy trình sản xuất, bảo quản chưa được chú trọng;




Những cây cà phê Catimor “hạnh phúc” dưới bóng mát cây Keo che bóng. Nơi đây các cây cà phê thường được trồng dưới tán cây Keo, hoặc cây Macadamia trồng xen canh.




Cô nông dân người Mông, đang gieo trồng những cây, cây được gieo từ hạt, thiếu sự chọn lọc. Cây được ươm trồng không có bầu đất và mất rễ, cộc rất yếu và khó duy trì sinh trưởng sau khi trồng. Sự quan trọng của giống cây trồng ở vùng cao, vùng xa chưa được phổ biến rộng rãi, người nông dân tốn nhiều thời gian để hoàn thiện vườn canh tác đạt sản lượng tốt.


Các cây Catimor được chăm sóc cũng như sơ chế, rang xay phù hợp vẫn mang trong mình nhiều đặc tính tốt và đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.


Bên cạnh Catimor, hiện ở Việt Nam vẫn đang lưu hành nhiều giống cà phê khác thuộc Arabica nhưng chưa thực sự phổ biến cũng như lai lịch và nguồn gốc. Vậy liệu ngoài Catimor, chúng ta có những giống cà phê nào khác hay không?



Hình ảnh: Anh Mùa A Dế cạnh vườn THA1 được hỗ trợ thử nghiệm và trồng trọt bởi dự án TEAL Điện Biên


Tại sao chúng ta lại phải quan tâm tới những giống cà phê mới?


Cà phê mang theo mình rất nhiều hương vị - điều mà chúng ta luôn muốn thưởng thức ngoài việc tìm kiếm sự tỉnh táo từ caffein của cà phê. Sau nhiều năm tháng trải dài từ khi cà phê được tìm thấy, qua “Làn sóng cà phê thứ nhất” đến “Làn sóng cà phê thứ ba”, chúng ta biết được rằng ngoài sơ chế, rang xay điều tạo nên hương vị vốn có cho cà phê đầu tiên là giống cà phê. Cũng như tất cả những trái cây khác… mỗi giống đều mang theo mình một hương vị đặc trưng riêng. Cà phê cũng không là ngoại lệ. Ngoài việc tạo ra sự khác biệt trong hương vị, giống cà phê còn mang đến nhiều giá trị hơn nữa đó là giá trị kinh tế.

Cuối cùng là ly cà phê thành phẩm, thì đầu tiên giống cà phê là sự khởi đầu cho những hương vị trong ly cà phê.


Arabica mang theo sự đa dạng về hương vị hơn khi được so sánh với các loài khác, nhưng cũng là loài dễ bị sâu bệnh nhất. Sự đa dạng trong giống loài Arabica cũng là một vấn đề, các giống thuần Arabica mang trong mình bộ Gene giống nhau đến 98,8% khác biệt so với bộ Gene của lúa, đậu… là chỉ 70-80%. Có nghĩa là các giống loài Arabica đều dễ bị tổn thương bởi sâu bệnh và khí hậu như nhau. Vậy nên các giống cà phê lai là cách để chúng ta vừa có hương vị tốt mà vừa có khả năng chống bệnh, điển hình là Catimor (giống lại giữa Arabica và Robusta).


Vậy ngoài sự lựa chọn Catimor, chúng ta có còn những sự lựa chọn nào khác cho giống cây trồng vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang theo mình những hương vị độc đáo?


Đó là sự trăn trở khiến team Every Half lên đường cho hành trình này, hành trình đến với nơi có những khởi đầu của tương lại. Vùng núi Tây Bắc: Điện Biên, Sơn La.


Hình ảnh: TN1 tại vườn mẫu NOMAFSI


Bước tiến của giống cà phê THA1 ở Việt Nam

· Catimor hiện tại ở Việt Nam đang được đánh giá là đã và đang thoái hoá, không còn duy trì được khả năng thích nghi cũng như sản xuất được sản lượng tốt cũng như chất lượng tốt nếu không có can thiệp của thuốc bvtv hay phân bón hoá học.

· THA1 hay TH1 như những cơn mưa rào tưới mát cho những cao nguyên khô cằn, khao khát một luồng gió mới hỗ trợ cho các giống cây Catimor trồng hiện tại. Vừa mang theo mình những phẩm chất tốt, kèm theo sản lượng và sinh trưởng mạnh.

· Lịch sử bắt nguồn THA1: theo viện giống cây trồng Eakmat.


Giống cà phê chè THA1 là dòng chọn lọc phả hệ đến thế hệ F5 của con lai TN1 (lai giữa vật liệu KH3-1 có nguồn gốc từ Ethiopia và giống Catimor). Giống cà phê chè THA1 đã được hội đồng cấp Bộ nghiệm thu và công nhận giống cho sản xuất thử theo quyết định số 2812/QĐ-BNN-TT ngày 7/7/2016.



Hình ảnh: Vườn ươm THA1 NOMAFSI


Giống cà phê chè THA1:

• Sinh trưởng khỏe, kiểu hình thấp cây, lóng thân và đốt chặt.

• Tán gọn, phân cành nhiều, đốt nhặt, thích hợp với mật độ trồng dày.

• Lá có kích thước tương tự giống Catimor, dạng lá thuôn dài, mép gợn sóng, lá thuần thục màu xanh đậm, đọt non xanh nhạt.

• Đặc điểm quả, hạt: Màu sắc quả chín đỏ tươi, dạng quả thuôn dài, chùm quả dày, quả lớn và khá sai quả. Kích thước hạt lớn, dạng hạt dài và khác biệt khá rõ so với giống Catimor.

• Năng suất nhân/ha: Trung bình 2,45 tấn; Tỉ lệ tươi/nhân: 5,6; Khối lượng 100 hạt: 17,3 g; Hạt loại 1 đạt 84,9%.

• Chất lượng nước uống thơm ngon.

• Giống THA1 có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao.

• Giống có độ thuần chủng cao, nhân giống bằng hạt.


THA1 từ khi được nghiên cứu, công bố và đưa vào canh tác sản xuất đại trà cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Ngoài mang lại sản lượng tốt hơn Catimor và các giống cây cà phê chưa xác định hiện nay, THA1 còn thể hiện được phẩm chất tạo nên khác biệt của mình thông qua hương vị thử nếm, bằng chứng là liên tiếp đoạt các giải cao trong những cuộc thi thử nếm cà phê kể ra như giải nhất Amazing Cup 2022 với 84,25 điểm Cupping (hội đồng chấm điểm CQI)


“Cả đời làm công việc này chỉ mong tìm ra được cho riêng mình một giống cà phê mới” - anh H từ Viện Nông Lâm nghiệp chia sẻ.


Để tạo ra một giống cà phê mới ta cần từ 20-25 năm hoặc hơn, cần đáp ứng rất nhiều tiêu chí và tốn thời gian dài để khảo nghiệm và được công nhận.

Ví dụ: THA1 là con lai đời thứ F5 của TN1, có nghĩa là phải trải qua 5 đời, mỗi vòng đời phải tốn 3-4 năm, sau 5 đời mới đạt được sự ổn định để hoàn thành bước kiểm chứng và công bố. Mỗi lần sai, là mỗi lần ta bắt lại từ đầu. Nhưng đời người ngắn ngủi, ta đâu có quá nhiều lần bắt đầu! THA1 là một sự thành công đáng được trân trọng.



Hình ảnh: Cây H1 CentroAmericano


Liệu rằng chúng ta có cách nào đẩy nhanh quá trình của việc tạo ra giống mới?

Câu trả lời là những giống cà phê lai F1 (hybrid)


Hình ảnh: Cây giống Starmaya


Sự cấp thiết phải tạo ra những giống cây cà phê mới.


“Tháng 12 năm 2019, hơn 3.000 ha cà phê bị thiệt hại do rét đậm rét hại tại tỉnh Sơn La. “Việc trồng cà phê ở Việt Nam rộ lên từ 30 năm trước. Các giống hiện đang sử dụng không còn thích nghi với sự thay đổi [khí hậu] trong những năm tới» - Pierre Marraccini, nhà nghiên cứu của CIRAD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Quốc tế), lập luận.

Đến năm 2025, một nửa trong số 20.000 ha cà phê ở Tây Bắc Việt Nam cần được tái canh. Từ năm 2017, CIRAD, hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam và Châu Âu, đã thử nghiệm các giống cà phê Arabica mới (lai F1) tại các khu vực miền núi của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. 
Những giống mới này, vốn được chọn lọc và phổ biến ở Trung Mỹ, nhằm giải đáp ba thách thức là thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng cà phê.


Việc giới thiệu và khảo nghiệm các giống mới này trước tiên được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua dự án BREEDCAFS (http://www.breedcafs.eu/) từ năm 2017 đến năm 2022, sau đó được Liên minh Châu Âu và AFD tài trợ thông qua dự án ASSET (www.asset-project.org) kể từ năm 2021.” - Viện bảo vệ thực vật - Plant Protection Research Institute (PPRI)

- Dự án đưa các giống cà phê mới thử nghiệm tại Việt Nam.



Hình ảnh: Vườn mẫu NOMAFSI


Theo chân dự án, Every Half đã có cơ hội ghé thăm nơi đang được gửi gắm để ươm giống cho những giống cà phê tương lai này.



Hình ảnh: Vườn trồng thử nghiệm, đối chứng các giống trong cùng một điều kiện canh tác.

BREEDCAFS


Breedcafs - Dự án đã nhận được tài trợ từ chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon 2020 của Liên minh Châu Âu. Nông lâm kết hợp là một trong những cách sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng rất ít giống cà phê phù hợp. BREEDCAFS nhằm mục đích đa dạng hóa các loại giống có sẵn cho phương pháp sản xuất bền vững hơn.

Các hoạt động của Breedcafs tại Việt Nam kết hợp cùng VAAS (Vietnam Academy of Agricultural Sciences), MARD (Ministry of Agriculture and Rural Development, NOMAFSI và Cirad là:

· Tìm hiểu sự phản ứng của cây cà phê với các căng thẳng sinh học và phi sinh học. (Understanding coffee responses to biotic and abiotic stresses)

· Đánh giá tại nông trại, hiệu suất và lợi nhuận. (On-farm assessment performance and profitability)



Hình ảnh: Starmaya seeds


Giống cà phê lai (hybrid) F1 là gì?


Các giống lai F1 được nghiên cứu dẫn đầu bởi World Coffee Research. Các giống lai F1 đáp ứng được các yêu cầu về chống chọi với môi trường canh tác cũng như với thời gian sinh trưởng ngắn và rút ngắn được thời gian tạo giống.


Các giống lai F1 được tạo ra bằng cách lai các cặp bố mẹ khác nhau về mặt di truyền. Con lai F1 mang theo đặc tính nổi trội từ hai vật liệu bố mẹ. Hiện tại các con lai F1 chỉ được phổ biến tại các nước Trung Mỹ, các con lai F1 có giá thành cao và khó để sản xuất giống hàng loạt. Chỉ nên mua từ các vườn ươm có kinh nghiệm qua nhân giống vô tính.


Lưu ý, các hạt lấy từ con lai F1 không được dùng để gieo trồng ra F2, F3, … vì sẽ xảy ra thoái hoá.


Các con lai F1 hiện nay chỉ được tạo ra bằng cách sử dụng phương pháp nhân giống cây trồng cổ điển đó là thu thập và chuyển phấn hoa thủ công từ cây này sang cây khác bằng cọ.

Các hạt giống F1 gieo thành cây, sẽ được nhân giống vô tính để đẩy nhanh quá trình nhân giống. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu nhân giống vô tính đang được áp dụng hiện nay nhé.


Đầu tiên, từ các hạt giống F1 được gieo trồng



Hình ảnh: Cặp lá cùng ngọn sinh trưởng được cắt để ươm thành cây con mới


Các cây từ hạt sau khi phát triển đến ít nhất 3 cặp lá, 2 cặp lá cùng mầm sinh trưởng sẽ được cắt đi để ươm thành cây mới. Cây phát triển từ hạt F1 được gọi là cây Mẹ (cây giống)



Hình ảnh: Nhà lồng để dưỡng cây con 6-8 tuần trước khi phát triển rễ và đưa dần ra ánh nắng trực tiếp


Các ngọn cây được giâm xuống giá thể, trong các nhà lồng này nhằm giữ ẩm và tránh nắng gắt cùng môi trường được kiểm soát tránh côn trùng, để cây tập trung sức đâm rễ mới nuôi dưỡng mầm sinh trưởng.




Cây Mẹ (3 năm tuổi) với rất nhiều vết cắt trên ngọn, chứng tỏ đã sinh ra rất nhiều chồi sinh trưởng mới. Mỗi chồi sinh trưởng cắt đi, cây sẽ sinh ra ít nhất là một hoặc 2, 3 chồi sinh trưởng mới. Có nghĩa là số cây con sắp được ươm sẽ tăng theo cấp số nhân.




Phần ngọn cùng 2 cặp lá sau khi ươm, đã đâm rễ và ra thêm 2 cặp lá mới sau 6-8 tuần. Bạn có thể thấy phần màu đen cuối thân là vết thương đã lành sau khi cắt và ươm vào giá thể. Với số cặp lá và lượng rễ này, cây đã sẵn sàng để đi ươm ra khu vực chịu nắng tốt hơn. Các bạn có thấy rằng dù là ngọn nhưng vẫn có rễ cọc rất to và khoẻ. Mang đầy đủ phẩm chất của cây Mẹ.



Các cây con sau đó được đưa dần ra nơi có ánh sáng tốt và đợi sinh trưởng đủ các cặp lá, sẵn sàng đưa đến nông trại để xuống bầu và bắt đầu một cuộc hành trình mới.



Hình ảnh: Một vườn thử nghiệm của chủ hộ: Vũ Thế Huynh


Thử nghiệm so sánh phẩm chất các giống cây mới cùng giống cây Catimor bản địa.


Các giống cà phê F1 được mang hạt giống đến Việt Nam và ươm thành cây, nhân giống và được chia cho 12 nông hộ: 7 Sơn La, 5 Điện Biên; Các nông hộ trồng thử nghiệm dưới sự giám sát của các chuyên gia. Mỗi nông hộ trong hoạt động trồng thử nghiệm được trồng và canh tác xen kẻ cùng giống Catimor chọn lọc bản địa để so sánh về khả năng sinh trường, kháng sâu bệnh và năng suất cho trái. Các giống F1 được thử nghiệm là: Starmaya, H1-CentroAmericano và Starmaya ghép gốc cà phê C. Canephora var. Nemaya và giống thuần chủng Marsellesa (Sarchimor).


Các bạn có thể thấy hai hộ bên dưới đều trồng chung một mô hình là xen nhau giữa các giống cây, để so sánh phẩm chất.



Hình ảnh: Cây Catimor 4 năm tuổi



Hình ảnh: Cây H1-CentroAmericano 4 năm tuổi


Trực quan cũng có thể thấy sự phát triển và năng suất của 2 giống trồng cùng một điều kiện chăm sóc có sự khác biệt rõ rệt



Cây Marsellesa 4 năm tuổi xanh mát thiệt đã mắt



Hình ảnh: Vườn thử nghiệm khác của chủ hộ: Lầu Chư Só



Cây Starmaya tại nông trại thử nghiệm Lẩu Chư Só, đạt 4 năm tuổi và kích thước sinh trưởng gốc rất to. Rất tiếc cây bị sâu đục thân nên phải cắt ngang, cây vẫn đâm các cành thứ cấp mạnh mẽ.



Chủ nông trại bên các cây Catimor và THA1, sau lưng là cây Táo Mèo.


Các bạn có thể thấy hai hộ trên đều trồng chung một mô hình là xen nhau giữa các giống cây, để so sánh phẩm chất. Với chất lượng đất cũng như độ cao canh tác và điều kiện môi trường khác nhau.



Hình Ảnh: Bà con nhận cây giống THA1


Tổng kết dự án


Sau thời gian dịch, dự án bị ngắt quãng một thời gian. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở của NOMAFSI đã diễn ra buổi tổng kết dự án: “BREEDCAFS ending” sau 4 năm hoạt động.


“Các mô hình thử nghiệm đã được trồng từ tháng 7 năm 2018 và đến năm 2020 đã cho lứa thu hoạch đầu tiên. Dự án đã tiến hành đo đếm thu thập các số liệu về sinh trưởng, sâu bệnh hại thường xuyên trong suốt 2 năm qua (năm 2019, và 2020), cùng với thu thập số liệu năng suất trong vụ thu hoạch đầu tiên năm 2020.



Từ những kết quả thu được bước đầu đánh giá giống Marsellesa và các giống lai F1 có khả năng sinh trưởng tốt hơn, năng suất cao hơn và các chỉ tiêu chất lượng cơ lý, thử nếm cao hơn so với giống Catimor đối chứng (giống đang trồng phổ biến tại vùng Tây Bắc, Việt Nam). Cụ thể, giống Marsellesa và các giống lai F1 có chiều cao cây, đường kính gốc lớn hơn, năng suất cao hơn 20-30% so với đối chứng, tỷ lệ nhân xanh/quả tươi cao hơn, kích thước hạt nhân lớn hơn (tỷ lệ nhân sàng 18 cao hơn), tỷ lệ nhân bị lỗi thấp hơn (bằng 50% so với đối chứng), và tổng điểm thử nếm cũng như điểm các chỉ tiêu thành phần trong chất lượng nếm cao hơn giống đối chứng và đều thuộc nhóm chất lượng đặc sản.” - theo VASS.VN



Từ những kết quả thu được bước đầu đánh giá giống Marsellesa và các giống lai F1 có khả năng sinh trưởng tốt hơn, năng suất cao hơn và các chỉ tiêu chất lượng cơ lý, thử nếm cao hơn so với giống Catimor đối chứng (giống đang trồng phổ biến tại vùng Tây Bắc, Việt Nam). Cụ thể, giống Marsellesa và các giống lai F1 có chiều cao cây, đường kính gốc lớn hơn, năng suất cao hơn 20-30% so với đối chứng, tỷ lệ nhân xanh/quả tươi cao hơn, kích thước hạt nhân lớn hơn (tỷ lệ nhân sàng 18 cao hơn), tỷ lệ nhân bị lỗi thấp hơn (bằng 50% so với đối chứng), và tổng điểm thử nếm cũng như điểm các chỉ tiêu thành phần trong chất lượng nếm cao hơn giống đối chứng và đều thuộc nhóm chất lượng đặc sản.” - theo VASS.VN




Kết luận: Mong rằng sau bài ký sự ngắn, chúng ta đã có thêm chút thông tin về giống cà phê cũng như những bước tiến mới trong cà phê tương lại tại Việt Nam. Dự án nhen nhóm ở các vùng Tây Bắc Việt Nam, rồi sẽ lan tỏa dần đến các vùng nguyên liệu khác. Cảm ơn các dự án và ban ngành đã mang đến cơ hội tuyệt vời này đến cho nông dân cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam.

Catimor vẫn luôn có một vị trí nhất định không thể thiếu, nhưng hãy cùng nhau đón nhận những làn gió mới này, biết đâu con đường khẳng định chất lượng của cà phê Việt Nam sẽ được rút ngắn hơn. Hãy hy vọng một ngày như vậy nhé!

Every Half xin lưu ý, các giống cà phê thử nghiệm hiện tại vẫn chưa được cấp phép để lưu hành và thương mại. Every Half cũng không cung cấp hay thương mại các ấn phẩm liên quan đến các giống cà phê mới này. Nhưng mong rằng Every Half có thể kết nối được để chúng ta có cơ hội được thử nếm những mẫu cà phê mới mẻ này được trồng trên mảnh đất hình chữ S.



Cảm ơn Anh Nguyễn Tùng đã cho Every Half cơ hội được thử nếm những hạt cà phê F1 chín mọng này

Cảm ơn Anh Mạnh Hùng từ Tây Bắc Coffee farm đã đồng hành cùng chuyến đi


REFERENCE:










134 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page