top of page

Ký sự Cà Phê Starmaya Điện Biên - Lời gởi gắm

Bền vững trong nông nghiệp, ổn định kinh tế cho nhà nông luôn là điều mong mỏi của Every Half hay bất kể ai làm cà phê.

Tại sao lại là cà phê Starmaya? Tại sao lại là Điện Biên?

Câu trả lởi cho chuỗi hoạt động của Every Half đã và đang sắp đến sẽ xoay quanh:

- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cây nông nghiệp cụ thể là cà phê. Diện tích canh tác sẽ giảm mạnh 30% - 50% năm 2050 trên toàn cầu.

- Những giống cà phê mới hay những giống cà phê mang theo mình khả năng chống chọi lại biến đổi khí hậu, mà không phụ thuộc vào thuốc hóa học đang ngày càng được nghiên cứu mạnh mẽ.

- Ổn định kinh tế và cuộc sống nhà nông vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của các dự án này.

Sự ra đời của các giống cà phê lai F1 và Starmaya hay những giống cà phê chống bệnh tự nhiên đang là xu hướng toàn cầu và là cánh cửa cho nhà nông.



Bền vững trong nông nghiệp, sự ra đời của các giống cà phê lai F1 và Starmaya.




Theo bài viết của Sustainable Coffee Challenge ở Việt Nam:

- Hơn 20% diện tích canh tác Arabica tại Việt Nam sẽ không còn phù hợp từ năm 2050.

- Độ cao trung bình của vùng trồng Robusta Việt Nam sẽ tăng lên thành 600-1000m thay vì 300-900m như ngày nay. Những vùng dưới 550m đang bị đe doạ rõ ràng.

- Gia Lai và Daklak là 2 vùng lớn nhất bị ảnh hưởng với mức giảm 30%.

- 100,000 nông dân có thể sẽ phải chuyển đổi hình thức canh tác cà phê sang nông sản khác.

Đơn giản hơn, là gần 100,000 nông hộ tại Việt Nam và gần 50% toàn thế giới sẽ không còn canh tác cây cà phê được nữa vào năm 2050. Đồng nghĩa với việc sẽ mất đi nguồn thu nhập từ cây cà phê.



Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cà phê bởi sự nóng dần lên toàn cầu kèm theo những thay đổi phức tạp tiêu cực của khí hậu. Nhiệt độ tăng lên khiến những vùng trồng cà phê không còn an toàn nữa, sự “shock” nhiệt sẽ khó có thể kiểm soát được, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và sản lượng.

Những bệnh dịch cũng như côn trùng ảnh hưởng xấu đến cà phê luôn tiềm tàng những giai đoạn tiến hoá bất thường do quá trình thay đổi khí hậu này. Sự tiến hoá hay biến đổi không lường trước được khiến những dịch bệnh có thể bùng phát không kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến mùa vụ và kinh tế nông hộ. Trong tự nhiên không có gì là tuyệt đối, cũng như không có loại thuốc trừ bệnh nào là hoàn hảo.


Nhà nông ngày càng phải phụ thuộc vào các biện pháp hoá học nhiều hơn để hỗ trợ cho sự phát triển của cây cà phê và duy trì sản lượng. Chi phí canh tác ngày càng tăng và ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhà nông lẫn người tiêu dùng.


Đối với việc canh tác nông sản, chỉ có 2 cách an toàn để chúng ta ngăn ngừa thiệt hại xảy ra do dịch bệnh và côn trùng gây hại:

⁃ Kháng bệnh tự nhiên từ cây cà phê.

- Kháng bệnh tự nhiên hệ sinh thái.


Cây cà phê không còn được phát triển một cách tự nhiên như vốn có, mà phải dựa vào hoá học. Điều này cũng khiến hương vị của cây cà phê dần mất đi sự phức tạp và tinh tế.


Tại sao chúng ta cần trồng giống cà phê mới?


Thay vì phải dựa vào hoá học để giúp cây cà phê chống chọi lại sự biến đổi khí hậu, các giống cây cà phê mới liên tục được nghiên cứu với sứ mệnh mang trong mình:

+ Chống chọi thời tiết tiêu cực

+ Đạt năng suất tốt

+ Đạt hương vị tốt trên thang đánh giá

+ Thời gian trưởng thành nhanh (3-4 năm)


Duy trì canh tác bền vững hơn với khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu chính là sứ mệnh cao cả của các giống cà phê mới.


Năm 2017, Starmaya cùng các giống lai F1 khác như Centroamericano H1 đã được mang đến thử nghiệm tại Sơn La và Điện Biên trong một dự án được thực hiện bởi BREEDCAFs cùng NOMAFSI. Kết quả sau đấy đạt thành công vang dội. Các vườn thực nghiệm hiện đã được bàn giao lại cho nông hộ quản lý.


Phản ứng tích cực này từ nông dân, đối tác tư nhân và chính quyền địa phương đã thúc đẩy mở rộng. Vào mùa hè năm 2020 và 2021, BREEDCAFS đã phân phối thêm 35.000 cây con (với tổng số gần 40.000).


Họ cũng đã bắt đầu quá trình công nhận ở quy mô địa phương, để tiếp tục mở rộng việc áp dụng các giống mới này trong tương lai.


Có vẻ như, Starmaya đang dần thực hiện được sứ mệnh của mình từ các nước Trung Mỹ sau đó là đến Việt Nam.

Chúng ta cùng đi sâu hơn về thông tin làm thế nào giống Starmaya này được ra đời.


Starmaya là kết quả lai tạo giữa vật liệu là giống Marsellesa và CIR-SM01 (dòng cà phê tự nhiên ở Ethiopia/Sudan), cũng là giống cây F1 đầu tiên được gieo trồng bằng hạt.


*Marsellesa: Timor Hybrid 832/2 x Villa Sarchi CIFC 971/10


*CIR-SM01: Năm 2001, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Nông nghiệp Pháp (CIRAD) đã nhận thấy một đột biến tự nhiên đang phát triển cao của Coffea Arabica có tên là CIR-SM01 mà không tạo ra bất kỳ phấn hoa nào (vô trùng đực). Cây vô trùng đực có thể được sử dụng làm cây mẹ trong các chương trình nhân giống vì các nhà lai tạo không phải loại bỏ các bộ phận đực của hoa.


Để gieo trồng cà phê giống F1 chúng ta cần những hạt giống thuần, nhưng trái cà phê có thể là kết quả lai tạo từ cây Mẹ-Cha (sự kết hợp có chủ đích) nhưng chúng cũng có thể là kết quả của lai tạo đến từ cây Mẹ-Mẹ hoặc Cha-Cha (sự kết hợp không mong muốn). Để tạo ra một giống lai F1 có thể nhân giống bằng hạt, các nhà nghiên cứu cần tìm một bố mẹ vô trùng, tức là không thể tạo ra phấn hoa. Điều này không có nghĩa là nó không thể sinh sản hoặc ra hoa và đơm trái, mà là nó không thể thụ phấn cho các cây khác.


Starmaya là cây cà phê lai F1 có thể nhân giống bằng hạt. Nó được nhân giống từ một cây bố mẹ vô trùng đực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ phấn có kiểm soát vì các nhà lai tạo không phải thiến thủ công từng bông hoa riêng lẻ của cây cà phê tự phối ngẫu nhiên.


Cà phê là một loại cây tự phối, có nghĩa là nó có thể tự thụ phấn và theo đó tự sinh sản. Đối với các nhà lai tạo, điều này đặt ra một thách thức khi cố gắng kiểm soát quá trình thụ phấn. Để vượt qua thử thách này, các nhà lai tạo phải “thiến” từng bông hoa bằng tay (có thể có hàng chục bông hoa trên mỗi cành cây cà phê). Sau khi thu thập chọn lọc phấn hoa từ cây hiến tặng phấn hoa, các nhà lai tạo thụ phấn thủ công cho những bông hoa bị “thiến” bằng cách chải phấn hoa lên các bộ phận của con cái. Các kỹ thuật nhân giống cây trồng vượt qua khó khăn này sẽ giúp chủ động hoá được việc sản xuất và sử dụng các giống cây trồng chuyên biệt hơn, được phát triển có mục đích làm cho quá trình nhân giống bớt khó khăn hơn về mặt kỹ thuật và ít tốn kém hơn.

Nhân giống cây tự thụ phấn bằng cách tận dụng bố mẹ vô trùng đực được thực hiện thường xuyên trong các loại cây công nghiệp khác để tạo ra các giống lai F1. Tuy nhiên, Starmaya đại diện cho việc sử dụng vô trùng đực đầu tiên được biết đến trong việc sản xuất cây cà phê lai F1.




Bước đầu trong việc nhân giống là giúp cây thụ phấn thủ công. Để thụ phấn thủ công, người nhân giống phải dùng tay ngắt từng bông hoa (có thể có hàng chục bông hoa trên một nhánh của cây cà phê).



Sau khi quá trình thụ phấn kết thúc, các hạt giống sẽ được gởi đến các vườn ươm để gieo trồng thành cây F1 và thực hiện các phương pháp cắt ngọn để nhân giống hàng loạt cho giống cây F1 này.


Tham khảo thêm bài viết để hiểu quá trình nhân giống link bên dưới (lưu ý khi lai tạo giống F1, rủi ro sẽ có khoảng 15% cây từ hạt sẽ có hình dáng/hiệu suất khác với tiêu chuẩn)





Tổng kết dự án giống cây mới tại Việt Nam:“Tháng 12/2019, hơn 3.000ha cà phê bị thiệt hại do rét đậm rét hại tại tỉnh Sơn La. Tại thời điểm đó, các chuyên gia thuộc CIRAD nhận định các giống hiện đang trồng không còn thích nghi với sự thay đổi của khí hậu trong những năm tới. Dự báo đến năm 2025, một nửa trong số 20.000ha cà phê ở Tây Bắc Việt Nam cần được tái canh.

Việc giới thiệu và khảo nghiệm các giống mới này trước tiên được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua dự án BREEDCAFS từ năm 2017 đến năm 2022, sau đó được Liên minh Châu Âu và AFD tài trợ thông qua dự án ASSET kể từ năm 2021.




“Những giống này đặc biệt thích hợp với nông lâm kết hợp vì chúng duy trì năng suất tốt trong điều kiện che bóng”, ông Pierre Marraccini, đại diện CIRAD cho biết.

Theo chia sẻ của ông Pierre Marraccini, giống cà phê mới đem lại mức sản lượng cao hơn năng suất trung bình trong khu vực từ 10 đến 15%, kết hợp với chất lượng thưởng thức tốt hơn sẽ đảm bảo thu nhập xứng đáng hơn cho người sản xuất. Bên cạnh đó, nông lâm kết hợp, một mô hình nông nghiệp bền vững do CIRAD thúc đẩy, bao hàm xen canh các loại cây trồng trên ruộng nương, sẽ góp phần tạo độ phì cho đất, duy trì đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu. Việc trồng xen canh cây lâu năm và cây ngắn ngày (nông lâm kết hợp) giúp người nông dân tăng thu nhập, đa dạng hoá nguồn thu từ cây ăn trái hoặc cây lấy gỗ, cải thiện độ phì nhiêu của đất, điều tiết khí hậu, và cô lập carbon. Tất cả các giống đều có năng suất tương đương khi độc canh, nhưng chỉ các giống lai F1 mới duy trì được năng suất cao trong điều kiện nông lâm kết hợp."




132 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page