top of page

Biến đổi khí hậu và các giống cà phê


Tiếp nối bài viết trước về giống cà phê, bài này chúng mình sẽ đi sâu hơn các loại giống cà phê cũng như câu chuyện biến đổi khi hậu.


Trước đây, Every Half đã từng nhập một ít cà phê Lempira từ Honduras, Lempira (một giống tương tự Catimor), và chúng mình thực sự bất ngờ với cách nhiều người thưởng thức nó. Một bộ phận không nhỏ sẽ kì vọng cà phê đến từ Honduras phải ngon cao siêu hay đặc biệt hơn. Hay họ mãi nói về những mẫu Honduras trước đây họ từng thử ngon như thế nào. Mà quên đi rằng, chính chúng ta mới thật sự góp phần vào sự thay đổi hương vị đó.


Chúng ta luôn luôn nhìn vào mặt tiêu cực mà quên đi rằng, Lempira hay những giống cà phê lai tạo gene Robusta đang là những vị thần cứu cánh cho bao nhiêu cuộc sống của người nông dân, nó như là những viên thuốc giảm đau và bạn chẳng thể yêu cầu ngon xuất sắc hay ngọt ngào như một viên kẹo được. Lempira, Castillo hay Catimor ngon theo cách riêng mà sự ích kỉ của bạn chẳng thể nào cảm nhận được.


Những giống cà phê tự nhiên đang dần tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, chúng ta có thể gọi đó là sự chọn lọc tự nhiên để bào chữa cho sự biến đổi khí hậu nhưng không! Đó không thể là lời bào chữa.



ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với cà phê


Tại sao biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cà phê?


Đơn giản, sự nóng dần lên toàn cầu, những thay đổi phức tạp kéo theo như mưa nhiều cuốn trôi đi những phần đất chứa nhiều dinh dưỡng, gió bão làm rụng hoa khi chưa kịp kết trái, nắng thất thường. Nhiệt độ tăng lên khiến những vùng trồng cà phê không còn an toàn nữa, sự “shock” nhiệt sẽ khó có thể kiểm soát được, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và sản lượng.

Những bệnh dịch cũng như côn trùng ảnh hưởng xấu đến cà phê luôn tiềm tàng những giai đoạn tiến hoá bất thường do quá trình thay đổi khí hậu này. Sự tiến hoá hay biến đổi không lường trước được khiến những dịch bệnh có thể bùng phát không kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến mùa vụ và kinh tế nông hộ. Trong tự nhiên không có gì là tuyệt đối, cũng như không có loại thuốc trừ bệnh nào là hoàn hảo.

Nhiệt độ tăng lên là môi trường hoàn hảo cho nấm bệnh cũng như các loài côn trùng gây hại phát triển mạnh mẽ.

Minh chứng ở Việt Nam, mùa vụ 2018/2019, sâu đục trái hoành hành, ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng cà phê Việt Nam, lẫn sản lượng ở vùng Cầu Đất. Mà không thể can thiệp bằng biện pháp hoá học một cách triệt để, tại sao? Bản chất sâu đục trái cà phê vào bên trong và sống kí sinh trong trái cà phê lên đến 3 tháng vòng đời, sau khi trái cà phê xuất hiện hiện tượng thúi Sâu sẽ di chuyển sang trái mới và đẻ trứng. Một con cái có thể để lại 30-50 trứng trong 2-7 tuần. Ấu trùng nở sau 1 tuần và bắt đầu ăn dinh dưỡng từ trái cà phê, sau 2 tuần trở thành nhộng và trường thành từ 4-9 ngày sau. Con đực sẽ không bao giờ rời khỏi trái nhưng con cái sẽ di chuyển nhiều trong vòng đời của mình.


Sâu đục trái

Các biện pháp hoá học tiêu diệt sâu đục trái được nghiên cứu là không hiệu quả và có nguy hại đến sức khoẻ, biện pháp duy nhất là nhờ vào hệ sinh thái tự nhiên như: Chim, kiến, côn trùng, … được công nhận là làm giảm hơn 50% số lượng sâu đục trái trong vườn cà phê.

Cách duy nhất là cách ly vườn cây cà phê bệnh và hệ sinh thái tự chống chọi lại. Cũng cùng niên vụ, cà phê chín không đều, trải dài từ tháng 11 đến qua tháng 2, tháng 3 vẫn chưa hoàn toàn thu hoạch xong. Trái chưa chín cây đã đâm bông cho vụ mới.

Tương tự: Nicaragua, dịch gỉ sắt gây ra bởi nấm La roya (Hemileia vastatrix) hoành hành, gây thiệt hại đến 1,8 triệu nông dân tại Nicaragua, suy giảm 36% sản lượng niên vụ 2012/2013 và lên đến 65% cho niên vụ 2013/2014 và xảy ra trên diện rộng các nước lân cận. Hơn 400,000 công nhân trải dài Trung Mỹ mất việc và chuyển nhà đến thành thị tìm công việc mới. Phun thuốc diệt nấm không thực sự hữu hiệu khi bệnh gỉ sắt nằm bên trong lá, chúng ta chỉ tiêu diệt được một phần khi dùng thuốc hoá học trên bề mặt lá chứ không phải toàn bộ nấm bên trong. Nấm lan truyền nhờ gió, và đó là thách thức cực kì lớn bởi nếu diện tích rừng và chắn gió càng ít, thì sự lây lan nhờ gió càng gia tăng và bùng phát. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho tác dụng của cây che bóng và cây che chắn quanh vườn cà.


Vậy làm sao để ngăn chặn dịch bệnh?

Cố gắng duy trì hệ sinh thái, trồng nhiều cây che bóng và cây rừng giảm sự lây lan và để hệ sinh thái tự hồi phục. Giống cà phê có khả năng chống bệnh như Lempira là giải pháp cho Trung Mỹ bấy giờ.

Theo báo cáo từ CIAT - International Center for Tropical Agriculture, báo cáo năm 2015 dự đoán 10-20% diện tích canh tác cà phê sẽ ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu vào năm 2050, nhưng với tốc độ thay đổi quá nhanh hiện tại thì báo cáo năm 2019 dự đoán con số bị ảnh hưởng ở năm 2050 lên đến 50% diện tích toàn thế giới.

Đối với việc canh tác nông sản, chỉ có 2 cách an toàn để chúng ta ngăn ngừa thiệt hại xảy ra do dịch bệnh và côn trùng gây hại:

⁃ Kháng bệnh tự nhiên từ cây cà phê.

Trong mỗi cá thể thực vật luôn tồn tại những kháng thể với bệnh dịch, côn trùng nhất định đối với môi trường xung quanh. Bạn có thể thấy những trái cà phê khi còn non, xanh khó có thể bị tấn công bởi côn trùng, vì hàm lượng lớn CGAs tự nhiên được ví như tấm lá chắn cho trái cà phê.

Ngoài ra còn phụ thuộc vào hệ gene của mỗi giống cà phê. Giống cà phê là yếu tố quan trọng hàng đầu khi một nông trại muốn chọn giống nào để trồng, giống cà phê sẽ dựa vào tiêu chí: Chất lượng và khả năng kháng bệnh.



2050 và hơn 50% vùng đất canh tác không còn phù hợp


Khả năng kháng bệnh và chất lượng là 2 tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn giống. Sự thay đổi Theo chiều hướng tiêu cực khiến chúng ta phải chạy đua trong công cuộc tìm ra các giống cà phê vừa có sức đề kháng, chống chọi với sự nóng lên của môi trường, vừa phải tạo ra những trái cà phê chất lượng. Có vẻ là bất khả thi, nhưng có lẽ là không. Đó đang là tương lai và thách thức của chúng ta.

Những giống cà phê tự nhiên đang dần tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, chúng ta có thể gọi đó là sự chọn lọc tự nhiên để bào chữa cho sự biến đổi khí hậu nhưng không! Nên nhớ, những ly cà phê chúng ta đang uống đều mang trong mình nguồn gene hoang dã.

Những giống cà phê Arabica mang trong mình nguồn gene của Robusta đã và đang giúp chúng ta vượt qua thử thách, nổi bậc nhất từ 1920s đến nay là dòng Timor, với khả năng kháng bệnh từ nguồn gene của Robusta, được lai tạo và sản sinh ra rất nhiều giống cà phê chúng ta đang uống bây giờ như: Catimors, Sarchimor, Colombia, Ruiru 11, Castillo, IHCAFE 90, Icatu, Lempira, .. nhưng thế kỉ 21, khả năng kháng bệnh của dòng Timor này không còn vững chắc nữa do sự biến đổi phức tạp của môi trường.


Thế giới đang làm gì? Một vài hoạt động điển hình cho các nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu:

Breeding for the Future, dự án thuộc WCR kết hợp cùng CIRAD và Nicafrance, đang nghiên cứu dòng Arabusta mới dựa trên khả năng kháng bệnh và chịu được nhiệt độ cao hơn của Robusta cùng với chất lượng của Arabica.

International Multilocation Variety Trial

Mỗi vùng canh tác cà phê trên thế giới có môi trường khác nhau như: ⁃ Hot -wet ⁃ Hot-dry ⁃ Constant ⁃ Cool-dry ⁃ Cool-variable Vậy nên, sự biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng khác nhau cho mỗi đặc điểm môi trường khác nhau. Việc nghiên cứu giống cà phê là một công việc toàn cầu và cần sự hỗ trợ giữa nhiều vùng địa lý.

International Multilocation Variety Trial là dự án toàn cầu trong khuôn khổ của WCR, 31 giống cây cà phê từ 11 nguồn, được trồng thí nghiệm ở 23 quốc gia tham gia dự án. Là một dự án đa quốc gia đầu tiên về giống cà phê, là cơ hội tiếp cận nhiều giống cà phê từ vùng địa lý khác và nghiên cứu, thu thập data của việc các giống cây đó phản ứng như thế nào tại mỗi vùng địa lý.

Mở ra lối đi cho giải pháp chống lại sự thay đổi khí hậu, tăng bền vững trong nông nghiệp. Kenya là nước đầu tiên gửi mẫu, vào năm 2013 với các giống: SL28, Batian, Ruiru 11, K7. và hiện đang được thử nghiệm tại 23 quốc gia khác.

Những quốc gia đang tham gia dự án: Australia, Congo (the Democratic Republic of the), Costa Rica, Dominican Republic, El Salvador, Guatemala, Honduras, India, Indonesia, Jamaica, Kenya, Laos, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru, Puerto Rico, Rwanda, Uganda, United States of America, Zambia, Zimbabwe



Ruiru 11 từ Kenya trồng thực nghiệm từ các quốc gia khác


- Kháng bệnh tự nhiên hệ sinh thái:

Hệ sinh thái trong vườn cà phê góp phần cực kì quan trọng lên sự khoẻ mạnh của cây cà phê cũng như kháng lại sâu bệnh và thực nghiên cứu đã chứng minh những cây trồng xen vườn cà phê cũng góp phần ảnh hưởng đến hương vị của cà phê thành phẩm.

Chúng ta không có nhiều cơ hội hoặc giúp cho môi trường giảm nhiệt độ. Chúng ta phải học cách thích nghi và không ngừng cải tiến. Đừng trông chờ vào những biện pháp hoá học, những loại phân bón đắt tiền. Hãy học cách sống chung với thiên nhiên, vì thiên nhiên mới là thứ bền lâu và thực sự đang bảo vệ bạn và vườn cây của bạn.

Thực tế đã cho thấy, hoá học và phân bón không phải là biện pháp giúp cho nền nông nghiệp cà phê bền vững và chống chọi được với sự thay đổi môi trường. Mà chính sự thích nghi của tự nhiên mới là thứ giúp chúng ta vượt qua thách thức này. Việc lạm dụng thuốc hoá học, phân bón đang góp phần tổn hại đến đất nền, tổn hại được hệ sinh vật xung quanh và cả sự thích nghi vốn có của cây cà phê. Bạn có thể thấy những mô hình organic cây tự phát triển hoặc chăm hữu cơ thường cho ra sản lượng đều đặn mỗi năm và thích nghi tối với môi trường. Ngược lại những vườn cây lạm dụng thuốc hoá học lại rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường, chẳng khác gì những “đứa bé” không chịu lớn luôn trông chờ vào sự chăm sóc của “Bố Mẹ”.

Giải pháp lâu bền cho nông nghiệp bền vững:

- Quan tâm hơn về hệ cây che bóng mát - Bảo vệ hệ sinh vật xung quanh như: chim, thú, côn trùng. Vì hệ sinh vật chính là vũ khí tự nhiên để chống lại sâu bệnh gây hại ở vườn. - Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ giữa các loại cây: các cây che bóng, cây ăn trái cũng góp phần không nhỏ cho việc cấu thành nên hương vị của cà phê, cũng như nguồn lương thực cho hệ sinh vật. - Phát triển về giống: Giống cây cà phê là nhu cầu cấp thiết đáng được lưu tâm, góp phần quyết định không nhỏ cho sự sinh tồn của nông trại. - Hạn chế việc lạm dụng thuốc và phân bón hoá học. - Bảo vệ môi trường. - Và đừng đòi hỏi chất lượng, khi chúng ta chưa thực sự có được bền vững.

Nói về sự thay đổi giống cà phê:

Chúng ta đã từng nghe về Coffee origin characteristics? (Hương vị cà phê đặc trưng vùng địa lý). Mỗi vùng địa lý khác nhau, thường có những hương vị đặc trưng mà khó lẫn ở nơi nào khác. Ví dụ: Kenya, Ethiopia, Colombia, Indonesia …nhưng đó là câu chuyện của nhiều nhiều năm về trước.

Những origin flavors là kết quả cộng hưởng từ nhiều yếu tố như: Giống cây bản địa, vị trí địa lý, cách thức canh tác, sơ chế, ...bỏ qua những yếu tố khác về processing, roasting, …. Giống cà phê gần như là yếu tố cơ bản đầu tiên cấu thành nên origin flavors đó. Những giống được lai tạo tự nhiên, hay lai tạo trong phòng thí nghiệm được tạo nên với mục đích chống chọi với thiên nhiên đang mang lại nhiều lợi ích và bền vững cho nông hộ nhưng cũng góp phần thay đổi không hề nhỏ đến hương vị cà phê mang bản sắc địa lý.

Biến đổi khí hậu, đang ảnh hưởng trực tiếp tới sự thay đổi hương vị vốn có của cà phê. Những ly cà phê hằng ngày chúng ta đang được thưởng thức sẽ khác với những ly cà phê chúng ta được thưởng thức 5 năm hay 10 năm về trước, hoặc 10, 20 năm sắp tới. Không chỉ do ảnh hưởng của môi trường, mà còn ảnh hưởng bởi sự thay đổi về giống. Điều mà chúng ta, đang cố gắng tạo ra để chống lại sự biến đổi tiêu cực của môi trường đó.

Điển hình với cà phê mình yêu thích, Kenya. Mình còn nhớ mãi ly Kenya mình uống 8 năm về trước của Drop coffee, những nốt hương Berry cùng vị chua tinh tế đã làm mình không thôi nhung nhớ, rồi mãi tìm kiếm những hương vị đó ngày càng khó hơn ở Kenya. Ngaỳ nay, sự phát triển mạnh của các giống mới, chống bệnh tốt, sản lượng cao như Ruiru 11, Batian với những nốt hương vị chuyển dần sang lemon, tomato, apple, vị chua dần kém tinh tế… điều mà mình không mong đợi.

Hay Nicaragua những ly cà phê ngọt ngào, cân bằng, acidity dịu nhẹ cũng ngày càng dần thay bằng những ly cà phê có vị chua gắt hơn, kém tinh tế hơn mong muốn.

Biến đổi khí hậu đang khiến cho ly cà phê của chúng ta ngày càng mắc hơn và hương vị ngày càng giảm hơn.

Một câu chuyện hài hước thực tế, mình đã từng nhập một ít cà phê Lempira từ Honduras, Lempira (một giống tương tự Catimor), và mình thực sự bất ngờ với cách nhiều người thưởng thức nó. Một bộ phận không nhỏ sẽ kì vọng cà phê đến từ Honduras phải ngon cao siêu hay đặc biệt hơn. Hay họ mãi nói về những mẫu Honduras trước đây họ từng thử ngon như thế nào. Mà quên đi rằng, chính chúng ta mới thật sự góp phần vào sự thay đổi hương vị đó. Chúng ta luôn luôn nhìn vào mặt tiêu cực mà quên đi rằng, Lempira hay những giống cà phê lai tạo gene Robusta đang là những vị thần cứu cánh cho bao nhiêu cuộc sống của người nông dân, nó như là những viên thuốc giảm đau và bạn chẳng thể yêu cầu nó ngon xuất sắc hay ngọt ngào như một viên kẹo. Lempira, Castillo hay Catimor… ngon theo cách riêng mà sự ích kỉ của bạn chẳng thể nào cảm nhận được.

Bạn có tự hỏi tương lai, cà phê sẽ có hương vị như thế nào không? Vậy đã đủ lý do để chúng ta quan tâm đến biến đổi khí hậu?

———— Cơ hội và thách thức của Arabica, robusta của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trái đất nóng lên đang khiến cho vùng canh tác của Arabica ngày càng thu hẹp, độ cao tối đa của Arabica sẽ không được gia tăng vì địa lý không cho phép, ngược lại độ cao tối thiểu sẽ thu hẹp lại. Đó là thách thức rất lớn cho những vùng trồng cà phê Arabica như: Nicaragua khi phần lớn diện tích canh tác giao đồng từ 600-1400m, Brasil 850 – 1400m, …

Với Robusta: nhiệt độ tăng đồng nghĩa độ cao tối đa cũng sẽ gia tăng.

Vậy đó là cơ hội hay là thách thức?

Tóm lại, hãy quan tâm hơn đến môi trường xung quanh, và mở lòng để thấy chúng ta phải nên làm gì, chẳng cần cao siêu. Chỉ cần bạn hiểu để bạn cảm nhận hạnh phúc với ly cà phê mình đang uống!

85 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page